Thưa Quý vị, sở dĩ Loan thực hiện CD “Vẫn Thương Màu Áo Trận” là để tưởng niệm đến tất cả những ngườI lính VNCH đã hy sinh cho chúng ta có được sự hiện hữu tốt đẹp hôm nay trên xứ lạ quê người. Có rất nhiều bản nhạc, bài thơ nói về đời Lính. Tuy nhiên, theo Loan nghĩ thì có vẻ bóng bẩy và văn hoa quá. Thật ra đời lính phải luôn luôn đối đầu với những gian nan vất vả, mà ít được ai nhắc đến. “Tay ghì súng, nghe mùi tang tóc đâu đây! Trong tâm khảm của người lính luôn mong ước hậu phương được yên vui, mọi người dân có được những bữa cơm, giấc ngủ thật bình yên không bị quấy nhiễu bởi đạn pháo của quân thù. Để rồi những ngày dạo phố cùng người yêu bé bỏng không còn bị giới hạn vì giờ giới nghiêm. Niềm tâm sự của người lính quả thật rất đơn sơ!
KHÁCH THĂM VIẾNG
100,000

Phóng Sự " TÌNH ẤM MÙA ĐÔNG ", Hát Cho Thương Phế Binh QLVNCH, Michigan 2006

05/08/201310:17 SA(Xem: 3724)
TÌNH ẤM MÙA ĐÔNG

Trời Michigan thật sự đi vào đông. Đã có những cơn mưa tuyết kéo dài cả ngày. Hàn thử biểu thường chỉ trên dưới 40 độ F. Khí trời lạnh, nhưng đối với những Michiganders thì cũng chỉ vừa đủ lạnh để mặt áo ấm. Cái lạnh chưa đi thấu vào da thịt, chưa đi thấu vào xương tủy để làm tê tái lòng người dân tỵ nạn viễn xứ. Vào mùa này, những ngày nắng ấm thật khan hiếm, cũng khan hiếm như “không bao giờ, không bao giờ giữa mùa hè tuyết rơi” (lời một bài hát rất quen thuộc). Thời tiết dạo này bất thường, nắng đó, mưa đó, lạnh đó; thay đổi bất chợt, như tính tình của một bà mẹ chồng khó tính. Cũng giống như những tên cai tù cộng sản, mà ngày thường chúng gọi các tù cải tạo là cải tạo viên, có vẻ rất thân tình. Nhưng chỉ cần phạm một lỗi lầm nhỏ là bị chúng trở mặt, lôi ra trước trại để xỉ vả, và gọi bằng cái danh từ khinh bỉ là “tên phản động ngoan cố”, có khi bị chúng đánh đập rất dã man.

Mới tuần trước đây còn nắng ráo thì tuần này trời đã làm mưa gió sụt sùi.

“Nắng mưa là bệnh của trời” (Xuân Diệu)
Thương binh, Tử sĩ đời đời nhớ thương.

Việc thay đổi mưa nắng bất thường này đã là mối lo của chúng tôi, những người đứng ra tổ chức buổi văn nghệ gây quỹ để giúp TPB/VNCH hiện còn sống lây lất tại quê nhà. Làm người dân dưới chế độ xã nghĩa đã khổ, bị công an, bị an ninh khu phố kèm kẹp; phải ăn cơm độn, phải bị ràng buột bởi chế độ hộ khẩu, phải bị chế độ tem phiếu khống chế, phải đi dân công, đi làm thũy lợi. Làm người lính QLVNCH, của phe bại trận, bị chúng gọi một cách xách mé là “ngụy quân” còn khổ hơn. Nhưng tủi nhục nhất, nhọc nhằn nhất là những người TPB/VNCH còn sống sót sau cuộc chiến.

Mailoan tinh am mua dong

Ngày trước, khi Nước VNCH còn, người TPB ngoài trợ cấp tiền hưu bổng TPB hàng tháng của chính phủ, họ được cấp phát nhà cửa trong Làng Thương Phế Binh tại Thủ Đức, con em được nhập học Trường Quốc Gia Nghĩa Tử; hoặc muốn trở về quê cũ thì cũng được cấp phát ruộng đất trong chương trình “Người Cày Có Ruộng”. Họ đã sống được cuộc đời ung dung tự tại:

“Ngày trở về, có anh Thương binh chống nạn cày bừa,
Ngày trở về có con trâu xanh hết lòng giúp đỡ”.
(“Ngày trở về” của Phạm Duy)

Nhưng sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, quê hương miền Nam thân yêu của chúng ta lọt vào tay giặc Cộng. Để trấn an dư luận quốc nội và quốc tế, chúng hô hào hãy quên quá khứ, nhìn về tương lai; hãy hoà giãi, hòa hợp dân tộc để hòng lừa bịp những kẻ nhẹ dạ, những kẻ trình độ chính trị ấu trỉ, hay những kẻ còn ham bã danh lợi. Thực tế chính bọn chúng đã khơi dậy quá khứ đau thương, đào sâu hận thù dân tộc. Chúng đã lùa hằng trăm ngàn Quân – Dân – Cán – Chính vào các trại lao tù cải tạo; chúng phá sập bức Tượng Thương Tiếc trước cửa Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa, san bằng mộ phần tử sĩ, lùa dân đi cái gọi là Vùng Kinh Tế Mới, xua đẩy hằng triệu người dân phải bỏ nước ra đi. Người dân miền Nam đã sống trên đất nước mình như một thứ công dân hạng hai. Đồng bào mình đã sống cuộc đời lưu vong ngay chính trên quê hương mình.

“Đất nước còn, còn tất cả. Đất nước mất, mất tất cả”.
(lời của cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu)

Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa không còn, người TPB/VNCH không còn nguồn tài trợ nào khác. Họ không còn khả năng lao động. Miếng cơm, manh áo phải trông chờ vào sự cưu mang của vợ con, hay lòng tốt của bạn bè xa gần, hay bà con lối xóm; thậm chí, vì bản năng sinh tồn, dẹp bỏ lòng tự ái, phải lê lết đi ăn xin nơi đầu đường, xó chợ.

Theo dự báo thời tiết, thứ tư có nắng, thứ năm có nắng; nhưng thứ sáu trời u ám và có mưa. Thứ bảy thì trời vừa mưa, vừa lạnh, có thể có tuyết. Thật là lo lắng!

Hằng năm, Hội cựu SVSQTB/Thủ Đức Michigan cùng Cộng đồng Người Việt vùng Metro Detroit vẫn tổ chức một buổi Văn nghệ gây quỹ để giúp cho TPB/VNCH tại quê nhà. Đây là một việc làm không những mang đầy tính nhân đạo, mà còn là một bổn phận, một trách nhiệm của người dân Việt, của những đồng đội còn sống sót sau cuộc chiến.

Việc tổ chức Đêm Văn Nghệ gây quỹ năm nay được tiến hành gồm hai phần: Phần I là “Lễ Chiến Sĩ Trận Vong”, và phần II là “Văn Nghệ gây quỹ giúp TPB/VNCH”. Chúng tôi quan niệm, lo cho người sống, nhưng cũng không thể quên người chết. Cho nên chúng tôi đã làm lễ tưởng nhớ những Chiến Sĩ Trận Vong trước, cũng không quên nhắc đến những đồng bào tử nạn vì chiến cuộc, và đồng bào phải từ bỏ “Thiên đường cộng sản” vượt thoát tìm TỰ DO, nhưng kém may mắn, đã không đến được bến bờ Tự Do mà phải bỏ mình nơi rừng sâu, núi thăm, hay vùi thây ngoài biển khơi. Trong bài Văn Tế Trận Vong Chiến Sĩ, Chiến hữu Nguyễn Thanh Vân, một cựu SVSQ Võ Khoa Thủ Đức, một Chiến hữu BĐQ, cũng là nhà thơ Nhật Hồng, Trung Tâm Trưởng TTĐH/TTCS/VNCH tại vùng Trung Bắc Hoa Kỳ, với một giọng đọc hùng hồn, lúc trầm lúc bổng, có lúc nghẹn ngào đã làm cho quan khách dự khán tất cả đều phải rơi lệ. Trong phần dâng hương trước bàn thờ Tổ Quốc, Chiến hữu Nguyễn Thanh Vân cùng hai bô lão trong bộ quốc phục cổ truyền khăn đóng áo dài, khấn nguyện trước vong linh tử sĩ, và xin các Chư Linh phù hộ cho con dân nước Việt sớm được hưởng Thái Bình và Tự Do, bọn Cộng sản độc tài khát máu sớm biến mất trên mãnh giang sơn gấm vóc thân yêu.

Buổi Lễ Chiến Sĩ Trận Vong tuy không được đồng hương tham dự nhiều, họ chỉ chờ tới phần văn nghệ, nhưng đã được thân hào nhân sĩ, đại diện các Tôn giáo, các Hội đoàn đến tham dự đông đủ. Trong số thân hào nhân sĩ, phải kể đến đại Huynh trưởng Phạm Hy Dung, Cố vấn của Hội Thủ Đức Michigan, Khóa 1 Sĩ Quan Trừ bị Nam Định, mặt dù tuổi cao sức yếu, cũng nhờ con lái xe đưa đến dự lễ. Đặc biệt, các Hội đoàn và Hội cựu Quân nhân và Thủ Đức bạn đến từ các thành phố xa như Grand Rapids, Holland, Lansing, Kalamazu, Ann Arbor; hay từ các tiểu bang Missouri do Đồng môn Vũ Ngọc Hải, Hội trưởng Thủ Đức hướng dẫn; Chicago do anh Lê Minh, một cựu Sĩ quan Cảnh sát; Windsor do anh Nguyễn Bá Lực, Chủ tịch Cộng đồng Người Việt Quốc gia Windsor; và Toronto (Canada) do Đồng môn Trần Quang Khôi, Phó Chủ tịch Hội cựu SVSQ/TB Ontario. Phái đoàn St. Louis phải lái xe đi lối 10 tiếng đồng hồ, Chicago hơn 5 tiếng, cũng giống như Toronto (Canada). Windsor chỉ lái xe hơn nửa tiếng, là thành phố nằm bên kia sông Detroit, nối liền bằng cây cầu hay một con đường hầm biên giới. Tất cả, hầu hết đều bận quân phục của binh chủng mình từ bộ quân phục trận xanh trơn của Bộ Binh, rằn ri của Dù với chiếc nón nồi màu đỏ, BĐQ với chiếc nón nồi màu nâu, TQLC với chiếc nón nồi màu xanh biển, hay những bộ quân phục trắng thẳng nếp của Hải Quân, bộ đồ bay của Không Quân. Phía dân sự thì trong những bộ complé đậm màu chững chạc.

Về giới truyền thông báo chí, có anh Thái Hoàng, và Việt Hải của Đài truyền hình vùng Grand Rapids và phụ cân. Anh Việt Hải, Phóng viên Đài TV Kentwood, dù tai nạn bị thương tật chưa lành hẳn, đi đứng phải chống nạn, không thể tự lái xe, cũng đã cố gắng, và rất nhiệt tình đến dự Buổi Lễ để ghi lại đầy đủ hình ảnh từ đầu đến cuối. Cám ơn anh Việt Hải.

Anh Hách Nguyễn của SBTN Toronto, Canada. Hai phóng viên nữ MyMy và Thanh Hằng đi theo phụ tá làm phóng sự, cũng đã hăng hái đóng góp vào chương trình văn nghệ với những bài hát ngợi ca người lính VNCH rất đặc sắc. Anh Hách vì phải làm phóng sự buổi lễ “Remembrance Day” tại Toronto cho xong nên qua hơi trễ. Anh cũng đã cố gắng gấp rút lái xe qua cho kịp giờ. Nhưng chẳng may để quên thức ăn trong xe (Hách phải tranh thủ vừa lái xe vừa ăn), nên lúc qua cầu Biên giới đã bị kiểm soát hơi lâu. Và Hách đã đến không kịp tham dự phần đầu.

Về “cây nhà lá vườn”, có nhà văn Ngô Sỹ Hân kiêm nhà báo của Tạp chí Quê Hương Hải ngoại.

Trong số quan khách Hoa Kỳ, Ông Bà Simone Verellen là nhiệt tình hơn cả. Ngoài việc mua trước 4 vé, còn ký check ủng hộ khi vào cửa. Hai Ông Bà là người luôn luôn ủng hộ và cổ động các sinh hoạt của Hội Thủ Đức Michigan, mặc dù Ông Verellen chỉ là một nhân viên dân sự làm việc tại Tòa Đại sứ Mỹ ở Việt Nam trong nhiều năm.

Khác với mọi lần, năm nay Hội Thủ Đức và Cộng đồng đã tổ chức Đêm Văn nghệ với quy mô rộng lớn, có sự đóng góp của Ban nhạc EME đến từ Grand Rapids, và các cô ca sĩ đến từ vùng nắng ấm Cali. Đó là Phương Trâm, Phương Thư, hai ca sĩ trẻ; Thanh Loan, “Người Yêu Của Lính”; và Phương Dung, con “Nhạn Trắng Gò Công”. Phương Dung với giọng ca bất hủ qua nhạc phẩm “Nỗi Buồn Gác Trọ”, một tiếng ca vượt thời gian và không gian. Khán giả say mê cô không những vì giọng ca ngọt ngào, thanh vút, và đầy tình tự dân tộc, mà còn kính trọng cô ở phong cách trình diễn cũng như trong cuộc sống. Được biết Phương Dung ăn chay mỗi tháng 15 ngày, và rất sốt sắng trong những công tác thiện nguyện. Cô thường đến với các hội đoàn, các buổi văn nghệ gây quỹ để giúp người tàn tật, nạn nhân bão lụt, nhất là nạn nhân chiến tranh của cuộc chiến tàn khốc vừa qua. Cô đã đến với một tấm lòng rộng mở, với một tâm hồn Đại Từ, Đại Bi của nhà Phật. Dấn thân làm việc thiện, việc nghĩa, Phương Dung đã vất vả trăm chiều. Chương trình văn nghệ chấm dứt lúc 1:00 sáng thì Phương Dung phải có mặt tại Phi trường Detroit lúc 4:00 giờ để kịp đáp chuyến bay lúc 5:00 giờ sáng đi Washington DC trình diễn vào lúc 12:00 giờ trưa, do một Hội đoàn tổ chức. Tôi quên không kịp hỏi, nhưng chắc chắn là để gây quỹ giúp nạn nhân trận bão vừa qua tại Đà Nẵng, Trung Phần Việt Nam, hay TPB/VNCH. Vì tháng 11 là tháng để Tưởng nhớ và Tri ân Cựu Chiến Binh, Thương Binh và Tử Sĩ. Ngày 11 tháng 11 là ngày Veterans Day của người Mỹ, cũng là ngày Remembrance Day của Canada. Hội Thủ Đức Michichigan và Cộng Đồng Người Việt chọn ngày 11 tháng 11 để tổ chức trong năm nay thật sự có ý nghĩa.

Mỗi lần Phương Dung xuất hiện trên sân khấu là mỗi lần cả hội trường im lặng để lắng nghe tiếng hát ngọt ngào thánh thót của cô. Cảm động nhất là lúc Phương Dung từ sân khấu bước xuống, len lỏi vào các hàng ghế của khán giả, theo sau là ca sĩ Thanh Loan ôm thùng quyên tiền. Hai cô ca sĩ tài danh này chỉ mới đi một vòng đã quyên được hơn một ngàn dollars. Khán giả hầu hết đều rất sốt sắng và nhiệt tình ủng hộ, sẵn sàng mở hầu bao khi Phương Dung thướt tha trong tà áo dài, tay cầm micro vừa đi vừa hát. Thanh Loan trong bộ quân phục ngụy trang, hai tay mang thùng quyên tiền, khuôn mặt rạng rỡ với nụ cười tươi, với hai má lúm đồng tiền duyên dáng. Những bàn tay với những tấm giấy dollars chờ đợi để đến lượt mình được bỏ vào cái thùng ân tình và nghĩa nặng.

Lần đầu tiên tại vùng Metro Detroit, một buổi văn nghệ và dạ vũ đã thu hút đông đảo những người thưởng ngoạn. Dù thời tiết bên ngoài giá băng, hàn thử biểu chỉ dưới 32 độ F, là độ nước đông lạnh, nhưng bên trong hội trường không khí thật là rộn rã và nồng ấm tình người.

Nhưng hào hứng nhất, năng động nhất, nhiệt tình nhất phải kể là ca sĩ Thanh Loan. Thanh Loan đến từ San José của vùng Cali nắng ấm. Thanh Loan đã mang hơi ấm của đất trời, và hơi ấm của chính mình để đến với Đêm Văn Nghệ gây quỹ giúp TPB/VNCH. Thanh Loan đã đến với tất cả tấm lòng của một người em gái hậu phương đối với anh trai tiền tuyến. Thật là không hổ danh khi được người đời tặng cho cô biệt danh “Người Yêu Của Lính”. Không như các ca sĩ trình diễn khác, Thanh Loan đến với đêm văn nghệ cho lính, vì lính, luôn luôn cô vẫn khoác lên người bộ quân phục trận của người lính VNCH. Thật ra thì Thanh Loan là một đứa con của lính. Thanh Loan đã mang chất lính trong người ngay từ lúc còn nằm trong bụng mẹ. Bố của Thanh Loan là một cựu Sinh viên Sĩ quan Khóa 3 của Trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt, phục vụ tại Binh chủng Truyền Tin. Một người Bác xuất thân khóa 4 Võ Khoa Thủ Đức, phục vụ tại Binh chủng mũ nâu BĐQ, học cùng khóa với Trung Tướng Ngô Quang Trưởng. Loan có người cậu là Phi đoàn trưởng Phi đoàn 245 ở Biên Hòa từ năm 1971 đến ngày tan hàng. Gia đình Loan hầu hết đều là lính. Những người lính VNCH oai hùng. Cho nên ta không lấy làm lạ khi những CD của Thanh Loan đã ra mắt thính giả, hầu hết đều mang chủ đề về lính. Tùy theo nội dung của bài hát lính, những lúc trình diễn, Thanh Loan đã khoác lên người bộ quân phục lính. Khi thì Loan trong bộ quân phục trắng thẳng nếp của quân chủng Hải Quân cao sang, khi thì trong bộ quân phục bay của quân chủng Không Quân hào hoa lã lướt, nhưng hầu hết là trong bộ đồ trận ngụy trang của quân chủng Lục Quân kiêu hùng của những chàng lính mũ đỏ, mũ nâu, mũ xanh, mũ đen, và mũ màu đất quê hương.

Rất tình cờ, tôi được biết Thanh Loan trong đêm Văn Nghệ “Nhớ Người Thương Binh QLVNCH” do Hội Cựu SVSQ/TB/TĐ St. Louis, Missouri tổ chức vào hồi thượng tuần tháng 6 năm 2006. Khi tôi hỏi Đồng môn Hội trưởng Vũ Ngọc Hải, cũng là một Chiến hữu cùng đơn vị tại Sư đoàn 18BB, về các ca sĩ tham dự trình diễn, Hải cho biết ngoài ca sĩ Lệ Hằng và Phu quân Nguyễn Phương Hùng, cũng một Chiến hữu cùng đơn vị mũ nâu của tôi lúc còn ở Liên đoàn 3 BĐQ, còn có ca sĩ Thanh Loan, cũng đến từ Cali.

Thú thật tôi không biết Thanh Loan là ai, nên tôi rất hững hờ. Nhưng sau khi dự khán chương trình văn nghệ, suy nghĩ của tôi bắt đầu có sự chuyển biến. Tôi đã thấy Thanh Loan đến với Đêm Văn Nghệ không chỉ với tư cách một Nghệ sĩ trình diễn, mà còn là một người con, một người em, một người yêu của lính. Thanh Loan đã thật sự nhập cuộc trong suốt buổi văn nghệ. Thanh Loan đúng là loài hoa nở muộn, vì hình như Thanh Loan chỉ mới góp mặt với làng âm nhạc từ hai năm nay mà thôi, nhưng đã kịp khoe hương sắc với đời, giúp tô thắm cuộc đời thêm ý nghĩa.

Vì thế tôi đã đến gặp Thanh Loan và tự giới thiệu đến từ Michigan. Tôi hỏi liệu Hội Thủ Đức Michigan tổ chức Văn Nghệ gây quỹ, Loan có sẵn sàng nhận lời đến giúp vui không? Loan mỉm cười nói:

 - Rất sẵn sàng, vì Loan “Vẫn Thương Mầu Áo Trận” (Tên một trong những CD của Thanh Loan đã phát hành. Cho đến nay Thanh Loan đã trình làng: Gửi anh Người Lính Ngày Xưa, Tôi Nhớ Tên Anh, Xin Còn Gọi Tên Nhau, Căn Nhà Ngoại Ô, Bến Giang Đầu,… và một CD đọc truyện).

- Ở đâu có những buổi văn nghệ gây quỹ yểm trợ cho Thương Phế Binh QLVNCH, dù đường xa cách trở thế nào đi chăng nữa, L vẫn cố gắng tham dự với ân tình của người em gái hậu phương đã trót cưu mang, đến những người chiến sĩ đã hy sinh xương máu vì lý tưởng Tự Do, vì Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ. L hát như để tri ân, hát như để nói lên những trang sử hào hùng và chịu chung niềm đau của dân tộc. L hy vọng với tiếng hát lời ca của người em nhỏ này sẽ làm xoa dịu bớt những xót xa, mất mát của những người lính già xa quê hương. Lời tâm sự chân tình của Thanh Loan.

Được lời như cởi tấm lòng, thế là tôi bắt đầu có ý định mời Thanh Loan về trình diễn trong đêm Văn Nghệ gây quỹ giúp TPB/VNCH sẽ tổ chức vào tháng 11 tới tại Detroit, Michigan.

Trong đêm Văn nghệ gây quỹ, Thanh Loan đã mở đầu với bản nhạc quen thuộc của cố Nhạc sĩ kiêm Ca sĩ Nhật Trường Trần Thiện Thanh. Đó là bản nhạc bất hủ “Người Ở Lại Charlie”. Với giọng ca điêu luyện, đôi lúc nức nở của Thanh Loan, khán thính giả không khỏi bùi ngùi thổn thức rơi lệ. Cả Hội trường im lặng như để nuốt từng lời ca của Thanh Loan qua nội dung bi đát nhưng rất hào hùng, kể lại cái chết oanh liệt của cố Đại tá mũ đỏ Nguyễn Đình Bảo, Tiểu đoàn trưởng 11 Nhảy Dù đã hy sinh trên một cao điểm được đặt tên là Charlie ở Cao Nguyên miền Trung hồi mùa hè đỏ lữa năm 1972. Đặc điểm trong đêm Văn nghệ gây quỹ này, Hội Cựu SVSQ/TB/TĐ Michigan trước đó một tiếng đồng hồ, đã có một buổi lễ “Chiến Sĩ Trận Vong” để tưởng nhớ đến những chiến sĩ QLVNCH kiêu hùng đã gục ngã trên khắp bốn vùng Chiến thuật để bảo vệ quê hương, chống lại cuộc xâm lăng bạo tàn của bọn cộng sản Bắc Việt.

“Nhất Tướng công thành, vạn cốt khô”, nhưng bên cạnh đó, đã có hằng vạn hằng vạn người lính phải bị thương tật. Mũi tên, viên đạn vô tình không chừa một ai, trừ những tên hèn hạ trốn lính, hay chạy chọt để làm lính văn phòng ở lại thành phố. Họ đã bỏ lại một phần xương máu và thịt da trên chiến địa cho người dân được sống yên ổn nơi hậu phương. Bài hát “Người Ở Lại Charlie” đã nói lên được ý nghĩa của hai buổi lễ được kết hợp làm một của đêm nay.

Bài hát “Hàng Hàng Lớp Lớp” của Nhạc sĩ quân nhân Nguyễn Văn Đông như thúc dục bầu nhiệt huyết của những chàng trẻ tuổi xếp bút nghiêng, bỏ tay cày để đứng lên cầm tay súng bảo vệ quê hương chống lại cuộc xâm lăng bạo tàn của bọn cọng sản xâm lược. Nhưng trong cuộc trường kỳ chiến đấu, với những cuộc hành quân diệt giặc liên miên, từ đồng cạn, đến đồng sâu, trong rừng thẳm, ngoài biển khơi, người lính cũng không tránh khỏi những phút giây suy tư vẫn vơ khi dừng quân tại một vùng biên giới nào đó trong một chiều mưa. Và bài hát “Chiều Mưa Biên Giới” của Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã làm cho những người lính già tha phương nơi vùng đất tạm dung này không khỏi nghĩ ngợi đến những kỷ niệm xa xưa của một thời trai trẻ chinh chiến oanh liệt.

Nhưng cảm động nhất phải kể đến là bài “Lối Về Đất Mẹ”. Thanh Loan tay cầm micro, vừa đi vừa hát, len lỏi giữa những hàng ghế của khán thính giả, bất chợt đã dừng lại trước một bà cụ già đầu tóc bạc phơ. Thanh Loan đã ôm chầm lấy bà cụ trong một cử chỉ vừa âu yếm, vừa thương xót. Thanh Loan khóc, bà cụ khóc, và khán thính giả cũng khóc sụt sùi. Rất nhiều ống kính đã qui tụ để cố ghi lại một hình ảnh đẹp và rất cảm động này.
Phương Trâm và Phương Thư là những ca sĩ trẻ đến từ Nam Cali, đã mang lạicái chất tươi mát của vùng nắng ấm. Hai cô ca sĩ trẻ này đã gây không khí sôi động của đêm Văn nghệ và Dạ vũ.

Một điều bất ngờ lý thú là hai người đẹp Phóng viên MyMy và Thanh Hằng đến từ Toronto, Canada với anh Hách Nguyễn, của Đài SBTN Toronto, cũng đã nhiệt tình đóng góp những bài hát, nhưng cũng không quên làm bổn phận của người phóng viên. Dù là những giọng ca tài tử, hay là nhà nghề tại Canada? Hai người đẹp này đã làm cho Đêm Văn nghệ càng thêm sống động và mang đủ màu sắc từ vùng Cali nắng ấm đến xứ Toronto lạnh lẽo. Cái nóng của Cali pha trộn với cái lạnh của Canada đã làm cho không khí Hội trường trong đêm Văn nghệ của mùa Đông Michigan một không khí nồng ấm và chứa chan tình người. Tất cả đều nghĩ đến những người lính VNCH đã một thời tung hoành oanh liệt, nhưng giữa đường gãy gánh, phải bỏ lại một phần thân thể trên chiến địa. Những giọt máu đào của họ đã tô thắm lá cờ vàng ba sọc đỏ, lá cờ truyền thống của dân tộc. Nay thân tàn ma dại, không ai nuôi dưỡng chăm sóc, đành phải sống nơi đầu đường xó chợ, đành phải làm những nghề hạ tiện, thậm chí phải đi ăn xin. Nhưng những hy sinh của họ đã không vô ích, lãng phí. Người dân tỵ nạn tại Michigan vẫn tình nghĩa. Dù phải sống cuộc đời lưu vong tỵ nạn nơi đất khách quê người, nhưng họ vẫn không quên được nhờ ai họ đã sống được những năm tháng yên lành từ tháng 7 năm 1954 đến tháng Tư đen năm 1975. Nhờ ai mà người Mỹ và chính phủ Mỹ đã cưu mang họ, đưa họ đến bến bờ Tự Do này để bây giờ họ có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, và nhất là được hưởng tất cả những quyền làm người mà con người vốn phải có. Đó phải chăng là do những hy sinh cao cả của người lính VNCH, những người lính đã một lòng vì nước hy sinh, vì dân quên mình trong công cuộc chiến đấu đầy gian khổ trải dài suốt cuộc chiến tàn khốc để quê hương miền Nam được sống an lành.

“Uống nước nhớ nguồn.”
“Ăn trái nhớ kẻ trồng cây”.

Là người Việt Nam, không ai là không biết đến hai câu ca dao tục ngữ này. Do đó dù Michigan đang trong mùa giá lạnh, dù trời đã làm những trận mưa tuyết, ngoài trời băng giá, nhưng đồng bào tỵ nạn từ già đến trẻ, những người còn có lòng với nước non đã không ngại ngùng hưởng ứng nồng nhiệt lời mời của Cộng đồng Người Việt vùng Metro Detroit và Hội cựu SVSQTB/TĐ Michigan tham gia, ủng hộ buổi lễ Chiến sĩ Trận vong và Đêm Văn nghệ gây quỹ để giúp Thương Phế Binh Vịệt Nam Cộng Hòa rất đông đảo. Hội trường của St. Dennis Catholic School hầu như không còn chỗ chứa cho những đồng hương đến muộn. Những hàng ghế không còn chỗ trống, những người đến sau đành phải đứng. Không khí bên trong Hội trường rất sôi động và nồng ấm. Đêm Văn nghệ đã sôi nổi và hào hứng ngay từ lúc khai mạc cho đến lúc mãn cuộc. Ban nhạc EME, dưới quyền điều khiển của Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thuyết, tuy không phải là một ban nhạc chuyên nghiệp, những tay đàn, tay trống,…chỉ được quy tụ tập dượt một cách gấp rút trong một thời gian ngắn ngủi trước khi trình diễn, nhưng đã chơi rất cừ, khiến cho các ca sĩ “gạo cội” như Phương Dung và Thanh Loan đều hài lòng.

Anh Thuyết là một cựu SVSQ Trường Đại học Chiến tranh Chính trị Đà Lạt. Anh đã khổ công soạn thảo một chương trình văn nghệ khá công phu để dẫn dắt khán thính giả từ thời kỳ đầu, khi nền Đệ Nhất Cộng Hòa mới thành lập sau Hiệp định đình chiến Genève 1954. Trong vài năm đầu, dưới thời cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, người dân miền Nam đã được sống trong cảnh thanh bình, hạnh phúc và ấm no với bản nhạc “Nắng đẹp miền Nam”. Rồi cuộc chiến tàn khốc và dai dẳng làm cho biết bao lớp trai trẻ phải lên đường tòng chinh cứu nước: “Hàng hàng lớp lớp”. Những bài hát đầy tính bi hùng: “Người ở lại Charlie”. Tháng 4 năm 1975, miền Nam lọt vào tay Cộng sản, hàng trăm ngàn bị lùa vào các trại lao tù cải tạo, một con số không nhỏ bị buộc đi vùng “Kinh tế mới”, và hàng triệu người dân phải từ bỏ “Thiên đường Cộng sản”, phải bỏ nước ra đi, nhưng tình cố hương vẫn không bao giờ nguôi: “Nhớ về Sài Gòn”. Nhưng rất tiếc, thời gian có hạn mà nghệ sĩ trình diễn thì nhiều: 4 ca sĩ đến từ Cali, 2 ca sĩ từ Canada, và rất nhiều “cây nhà lá vườn”, nên đã có sự xáo trộn chương trình và hạn chế việc trình diễn của các ca sĩ.

Câu lạc bộ Hùng Sử Việt, Michigan của cô Phương Linh, Phu nhân của Bác sĩ Nguyễn Công Bình cũng đã đóng góp đặc sắc vở kịch ngắn: “Anh phải sống” hay “Tâm sự Người TPB/VNCH” do Phương Linh thủ diễn vai người vợ, và anh Ngô Sỹ Hân trong vai người Thương binh đã làm rơi lệ rất nhiều khán thính giả.

Đặc biệt chúng tôi xin ghi nhận sự đóng góp và ủng hộ nhiệt tình của Cộng đoàn Công giáo Việt Nam Giáo xứ St. Dennis. Cha John P. Christ, vị Linh mục Chánh xứ đã rất thương yêu các con chiên người Việt tỵ nạn của Ngài. Cha luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ, mở rộng vòng tay Bác Ái không những đối với những con chiên của Ngài, mà còn với Cộng đồng Người Việt tỵ nạn. Ngài cho mượn Hội trường của St. Dennis Catholic School của giáo xứ để Cộng Đồng có thể tổ chức những lễ hội thoải mái. Anh Trần Phương, Chủ tịch Cộng đoàn đã sốt sắng giúp đỡ mọi mặt, và còn khuyến khích Ca đoàn đóng góp vào chương trình văn nghệ gây quỹ giúp TPB/VNCH một tiết mục hợp ca rất có ý nghĩa: “Có Những Người Anh”. Sau cả tháng tập luyện, các anh chị, các em trong ca đoàn dưới quyền điều khiển của anh Thắng đã trình diễn rất xuất sắc, nên đã đón nhận những tràng vổ tay rôm rả của khán thính giả.

Các ca sĩ “cây nhà lá vườn” cũng đã biểu diễn rất hay, không thua kém các ca sĩ chuyên nghiệp bao nhiêu. Có thể nói “bên tám lạng, kẻ mười cân”. Do đó phần lớn khán thính giả đã ngồi lại thưởng ngoạn cho đến lúc Ban nhạc trỗi lên bản nhạc “ọ è thằng Bè đánh đu, Tazan nhảy dù, Zoro bắn súng…” mới chịu rời Hội trường để ra về với một tâm trạng thoải mái và hài lòng. So với những lần tổ chức trước, đây là lần tổ chức thành công nhất của Ban Tổ Chức về phương diện tinh thần.

Bên ngoài lạnh, cái lạnh da diết của mùa Đông Michigan. Trời đang đổ tuyết, nhưng chỉ là cơn mưa tuyết nhẹ. Tuyết lất phất bay, rơi rơi, chầm chậm, rơi rơi. Từng mảng tuyết vật vờ bay trong gió đêm lạnh lẽo. Không gian mịt mờ như những ngày mưa phùn xứ Huế./.

Michigan, ngày Lễ Chiến sĩ Trận Vong

& Đêm Văn nghệ gây quỹ giúp TPB/VNCH năm 2006.

Bảo Định
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
05/09/2013(Xem: 5647)
Thưa Quý vị, sở dĩ Loan thực hiện CD “Vẫn Thương Màu Áo Trận” là để tưởng niệm đến tất cả những ngườI lính VNCH đã hy sinh cho chúng ta có được sự hiện hữu tốt đẹp hôm nay trên xứ lạ quê người. Có rất nhiều bản nhạc, bài thơ nói về đời Lính. Tuy nhiên, theo Loan nghĩ thì có vẻ bóng bẩy và văn hoa quá. Thật ra đời lính phải luôn luôn đối đầu với những gian nan vất vả, mà ít được ai nhắc đến. “Tay ghì súng, nghe mùi tang tóc đâu đây! Trong tâm khảm của người lính luôn mong ước hậu phương được yên vui, mọi người dân có được những bữa cơm, giấc ngủ thật bình yên không bị quấy nhiễu bởi đạn pháo của quân thù. Để rồi những ngày dạo phố cùng người yêu bé bỏng không còn bị giới hạn vì giờ giới nghiêm. Niềm tâm sự của người lính quả thật rất đơn sơ!
05/08/2013(Xem: 6925)
Lời tòa sạn: Ca sĩ Mai Loan tức Thanh Loan. Mai Loan là con gái duy nhứt trong gia đình một cựu sĩ quan cao cấp dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975. Qua một lầntiếp súc với người nữ ca sĩ khả ái hát về nhạc lính này. Chúng tôi được cô cho biết những ngày về sau cô sẽ lấy tên là Mai Loan trong các Cd mình phát hành hay đứng trình diễn trước công chúng thay vì Thanh Loan như trước đây. Được hỏi vì sao, cô cho biết Mai Loan chính là tên thật do ông ngoại đặt ra là Nguyễn Mai Loan. Ngày nay cô trở về với chính cái tên thân thương theo lời đề nghị của thân mẫu và người thân trong gia đình. Cô nói thêm còn Thanh Loan chỉ là tên gọi khi cô còn là một thành viên trong Ban nhạc “The Ngô Family” từ năm 1997.